Là nạn nhân của “những tiếng nổ giữa thời bình”, Nguyễn Xuân Tuấn (27 tuổi) cụt cánh tay phải và bàn tay trái chỉ còn bốn ngón.
Hẹn hò năm lần bảy lượt mới gặp được Tuấn vào một buổi tối cuối tuần, bởi Tuấn bảo “mình đi khắp Đông Hà một ngày mấy vòng, biết đâu mà lần”. Gác trọ nhỏ bé khoảng chục mét vuông gần chân cầu Ồ Ồ (TP.Đông Hà, Quảng Trị) là nơi đi về hằng ngày của Tuấn.
Quê của Tuấn tận xã Cam Thành (huyện Cam Lộ), bố mẹ làm nghề nông.
Phòng chỉ có một chiếc ghế, Tuấn nhường khách còn mình ngồi rồi tựa lưng lên giường để trò chuyện. Tuấn kể, gia đình anh không lấy gì làm khá giả, lại là con đầu nên ngày nhỏ anh thường phải phụ giúp cha mẹ làm việc, từ chăn trâu cắt cỏ, cho đến xay lúa bồng em.
Đến năm học lớp 11, Tuấn đi học buổi sáng còn buổi chiều đi rà phế liệu. Nhưng vào một buổi chiều định mệnh, chiếc cuốc trên tay Tuấn đã “không có mắt” làm một quả bom bi chùm phát nổ. Tuấn ngất lịm trên vũng máu. “Lúc mình tỉnh dậy thì đã nằm trong bệnh viện rồi. Bác sĩ bảo phải cưa tay”, Tuấn rơm rớm nước mắt nhớ lại.
|
Với niềm đam mê tin học, Tuấn tự tin sẽ thực hiện được mơ ước của mình.
|
Sau sự cố đó, việc học của Tuấn cũng bỏ ngang. Không muốn mẹ cha than dài thở vắn khi ngày nào cũng phải thấy đứa con tật nguyền, Tuấn quyết vào Nam lập nghiệp.
Hết lên Đắk Lắk hái cà phê rồi xuống Khánh Hòa nuôi tôm, thu nhập không đến nỗi nhưng Tuấn nghĩ đó không phải là hướng đi bền vững của mình.
Năm 2008, Tuấn trở về quê. Ở với cha mẹ hơn 1 tháng, Tuấn lại quyết “ra riêng”, về Đông Hà thuê phòng trọ và gia nhập “đội quân” bán vé số. “Mình vẫn luôn tự nghĩ mình là người bình thường, bán vé số cũng là một công việc bình thường…
Mỗi tờ vé số (5.000 đồng hoặc 10.000 đồng) mình bán được sẽ hưởng 10%, nếu mỗi ngày bán được 200 tờ thì thu nhập đâu có tệ”, Tuấn sảng khoái nói.
Những quán xá khắp cùng ngõ hẻm (TP.Đông Hà) đều có mặt của Tuấn “cụt”. Về sau, Tuấn còn nhận luôn việc đi tiếp thị mỹ phẩm để một công đôi việc và cải thiện thu nhập. Ít ai ngờ rằng chàng trai bị đời quăng quật như Tuấn có cả tài khoản ngân hàng, mỗi tuần lại đến gửi tiền một lần và còn chu cấp cho em trai đi học…
Vượt qua nhiều mặc cảm, Tuấn đã ghi danh học tin học tại một trung tâm dạy nghề (TP.Đông Hà), nay đã hoàn thành khóa tin học văn phòng và kỹ thuật viên máy tính.
Tuấn bảo rằng: “Tập sử dụng máy tính cũng giống như trước đây mình tập viết bằng tay trái vậy thôi. Khó nhưng không có nghĩa là không làm được. Tới đây mình sẽ dành dụm để học thêm tiếng Anh…”.
Tuấn cũng không hề giấu giếm khi được hỏi muốn học nhiều thế để làm gì: “Chẳng nhẽ phải đi bán vé số cả đời? Mình là “nhân chứng” cho tai nạn bom mìn sau chiến tranh, mình muốn có tri thức để làm tuyên truyền viên cho một tổ chức nào đó, đi nói cho mọi người biết và hiểu cách tránh xa hiểm họa này… để đừng ai phải đau đớn như mình, để đừng ai đang lành lặn “bỗng dưng” là người tàn tật”.
Người ta thường nói rằng: “Đời ai chả có ước mơ”, Tuấn cũng vậy và đáng quý hơn khi ước mơ đó không chỉ dành cho riêng người ước.
Sinhvienplus