Hầu hết tân sinh viên (SV) đều ngỡ ngàng trước cách học ở trường đại học. Nếu muốn đạt kết quả tốt trong học tập, mỗi SV đều phải tìm hiểu và thích nghi.
Phải tự học
|
SV chủ yếu phải tự học khi bước vào trường ĐH-CĐ – Ảnh: Mỹ Quyên
|
Giáo sư Trần Văn Giàu từng nói “Đại học là tự học”. Đó là khác biệt lớn nhất giữa phương pháp học của THPT với phương pháp tiếp cận kiến thức của bậc đại học. Ngày đầu bước chân vào giảng đường, nhiều SV hết sức ngỡ ngàng vì giảng đường quá lớn và SV thì quá đông. Nhiều người tự hỏi làm thế nào để nghe được lời thầy giảng và ghi chép được toàn bộ lời thầy nói?
Thạc sĩ Võ Tấn Thông – Trưởng phòng Công tác chính trị – sinh viên, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, lưu ý: “Thực ra lớp học đông hay vắng không quan trọng bằng việc phương pháp giảng dạy của bậc ĐH thay đổi hoàn toàn so với thời phổ thông. Thầy cô chỉ giảng mà không đọc, những cái gì cần thiết thầy mới nhắc SV ghi lại. Các em cần phải xác định là bắt đầu từ thời điểm này, các em phải tự học là chính, thầy cô chỉ đóng vai trò hướng dẫn chứ không làm thay”. Theo thạc sĩ Thông, nếu trên lớp phải học 2 tiết lý thuyết thì khi về nhà, các em phải tự học khoảng thời gian gấp đôi là 4 tiết.
Thạc sĩ Trần Đình Lý – Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cũng nhận định: “Nếu những năm phổ thông học theo cách học thụ động: viết vào tập những điều thầy cô ghi trên bảng, đợi thầy cô đọc cho chép, học các kiến thức trong chương trình ở nhà trường… thì ở bậc ĐH, SV phải học một cách chủ động. SV phải đọc trước tài liệu để nắm kiến thức mà giảng viên hôm sau sẽ dạy, ghi chép những ý chính từ bài giảng, có thể tranh luận, phản biện với những vấn đề giảng viên đưa ra…”.
Nỗ lực ngay từ đầu
Đa số SV đều cho rằng học kỳ đầu cứ từ từ làm quen với cách học mới, không việc gì phải vội. Thế nhưng, theo thạc sĩ Võ Tấn Thông, đây là suy nghĩ lệch lạc, gây hậu quả cho quá trình học tập tiếp theo. “Học kỳ 1 và 2 chính là khoảng thời gian quan trọng tạo đà cho những học kỳ sau. SV nào lơ là, chểnh mảng rất dễ bị rớt. Chỉ cần học lại 1, 2 môn sẽ gây ức chế dẫn đến hoang mang, lo lắng và nếu tiếp tục rớt thêm ở học kỳ 2 sẽ khiến các em chán nản, buông xuôi.
Do đó, ngay từ đầu phải nỗ lực mà không được chủ quan” - thạc sĩ Võ Tấn Thông nhắc nhở.
Theo cách phân bổ chương trình bậc ĐH, CĐ, 3-4 học kỳ đầu là các kiến thức cơ bản, cơ sở, các học kỳ còn lại đi sâu vào chuyên ngành. Thạc sĩ Trần Đình Lý cũng đưa ra lời khuyên: “Càng cơ bản thì mức độ khó sẽ cao hơn vì đó là cơ sở cho các kiến thức chuyên ngành các năm sau.
Do đó, SV phải nắm vững các kiến thức cơ bản, cơ sở ngành, nếu để hổng ban đầu thì sẽ càng hổng về sau, dẫn đến chán học và bỏ học”.
Đặc biệt, với phương thức đào tạo theo tín chỉ, SV phải xây dựng cho mình một thời khóa biểu khoa học hợp lý; lên thời gian biểu cho cả ngày bao gồm cả giờ trên lớp và ở nhà. Thạc sĩ Võ Tấn Thông còn lưu ý: “Khi đăng ký tín chỉ, SV cần biết lượng sức mình, chọn số lượng môn học phù hợp với sức khỏe, năng lực học tập và điều kiện kinh tế. Không phải cứ đăng ký nhiều là tốt”. Thạc sĩ Trần Đình Lý cũng cho rằng: “Học đến đâu, quyết chí vượt qua đến đó, thậm chí tính toán để có thể đạt điểm giỏi hay xuất sắc.
Vì thế, nên chọn vừa đủ số môn học, khoảng 6-8 môn/học kỳ”.
Theo các giảng viên, điều quan trọng là SV cố gắng áp dụng lý thuyết vào thực tế càng nhiều càng tốt. “Ở học kỳ cuối, SV phải đi thực tập ở các cơ sở sản xuất, đơn vị hành chính, các tổ chức, doanh nghiệp… Đây là dịp cọ xát thực tế, cũng có thể là cơ hội kiếm việc làm sau khi ra trường, các em không được lơ là, xem nhẹ. Đây còn là cơ hội học hỏi tác phong cách làm việc, kỷ luật của một đơn vị”, thạc sĩ Lý nhấn mạnh.
Mỹ Quyên
(sinhvienplus)