Đằng sau những quán cơm bình dân sinh viên (SV) ở làng ĐHQG TP.HCM (quận Thủ Đức) là “công nghệ” chế biến món ăn hãi hùng từ nguồn thực phẩm trôi nổi, ôi thiu, không rõ nguồn gốc…
|
Thức ăn sau khi chế biến nhìn rất bắt mắt – Ảnh: PHƯỚC TUẦN |
Trong khi giá cả thị trường đắt đỏ, các quán ăn bình dân cho SV ở làng ĐHQG TP.HCM vẫn giữ giá 12.000-15.000 đồng/phần ăn. Đi cùng giá rẻ là chất lượng bữa ăn xuống dốc thảm hại…
Chế biến chớp nhoáng, mất vệ sinh
Ngày 28-8, chúng tôi xin vào phụ việc cho quán cơm MV (đối diện cổng sau ĐH Thể dục thể thao TP.HCM). Khu bếp của quán ăn chật chội, xoong chảo, thịt cá, rau quả… nằm la liệt dưới sàn nhà nhầy nhụa mỡ, cạnh khu rửa chén và nhà vệ sinh, kề bên là thùng chứa thức ăn thừa bốc mùi nồng nặc, ruồi đậu khắp nơi…
Bà chủ quán tên Hương cùng hai nhân viên phụ bếp đang hì hục lấy những túi thịt, chả cá đông cứng từ tủ lạnh ra, đổ hết vào chảo dầu trên bếp. Sau đó chủ quán dùng lại chảo dầu đen kịt vừa mới chiên cá thu chiên tiếp cánh và đùi gà.
Trong những ngày làm việc ở quán này, chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh bà chủ quán dùng đi dùng lại chảo dầu đen kịt này để chiên tất cả món ăn từ thịt, cá, mực, ếch, trứng… rồi xào rau muống, măng, dưa cải…
Đến màn chế biến thịt heo luộc tẩm màu, bà Hương làm rất nhanh. Một túi nilông thịt heo bốc mùi được lấy ra từ tủ lạnh, bà chủ quán trút thịt vào xoong nước nóng rồi vớt để vào chậu nhựa ngay dưới gầm bếp đầy bụi bặm.
Do thịt để lâu ngày bắt đầu có mùi nên chủ quán đã tẩm thêm phẩm màu và gia vị nhằm qua mắt khách hàng. Bà lấy một thau inox cỡ vừa, đổ gần hết một túi đường màu vàng, túi phẩm màu đỏ bên ngoài bao bì ghi là càri Ấn Độ, ít bột màu trắng không nhãn mác mà theo bà là “giúp thịt tươi lên”, đổ ít nước mắm pha chế sẵn đựng trong can nhựa 20 lít, sau đó mới nhúng thịt heo vào thau và trộn đều. Sau vài phút, màu sắc miếng thịt tươi lên nhìn rất bắt mắt!
Tại quán cơm này, hầu hết nguyên liệu như cá, thịt, rau củ quả đều được rửa qua loa, thậm chí không cần rửa qua nước mà đưa vào chế biến luôn.
Trước đó, chúng tôi cũng xin phụ việc tại quán cơm bình dân SV cách quán MV không xa. “Công nghệ” chế biến thức ăn của quán SV cũng siêu nhanh, siêu bẩn như quán MV. Ngày đầu tiên vào làm, anh Quy – chủ quán cơm – hướng dẫn tôi “nghệ thuật” xới cơm sao cho cơm cháy dưới đáy nồi vụn ra, trộn lẫn với cơm trắng phía trên nồi, rồi cơm nguội cũng được làm vụn ra trộn lẫn với cơm nóng… Khu bếp của quán cơm SV vô cùng chật chội, khu sơ chế thức ăn và nấu nằm cạnh cống nước thải và nhà vệ sinh.
Tại quán MV, quán SV, các nhân viên đều không đeo bao tay khi chế biến món ăn.
Có khi nhân viên vừa cạo rửa cắt gọt củ quả xong liền chuyển sang dùng tay nhét thịt bằm vào tàu hủ để chiên. Ở quán cơm TM (đối diện ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQG TP.HCM), một nhân viên nam thản nhiên thảy những miếng cá ươn xuống nền gạch, cạnh lối đi để chuẩn bị rửa qua. Ngoài cá, thịt gà, thịt heo cũng được chế biến ngay dưới nền gạch nhầy nhụa mỡ, đất và nước thải.
Sinh viên biết cơm bẩn nhưng vẫn ăn
Làng ĐHQG TP.HCM hiện có hơn 35.000 SV đang theo học. Nhiều SV cho biết dẫu rất rõ các quán cơm bình dân chế biến rất mất vệ sinh nhưng vẫn cố gắng ăn vì chẳng còn cách nào khác. “Do mình đi học trên trường đã hết thời gian nên phải vào các quán cơm bình dân xung quanh trường để ăn thôi, vừa rẻ lại nhanh. Quán cơm nào cũng bẩn như nhau, không ăn thì đói, lỡ có đau bụng thì chịu chứ biết sao giờ” – Nguyễn Văn Vinh (SV năm 3 ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐHQG TP.HCM) nói.
|
Thịt cá để ngay cạnh nhà vệ sinh và khu vực rửa chén của nhà bếp quán ăn MV |
Nguyên liệu trôi nổi, tận dụng thức ăn thừa
Hiện khu vực làng ĐHQG TP.HCM có hơn 20 quán cơm, lẩu bình dân. Theo quan sát của chúng tôi, phần lớn các quán đều sử dụng nguồn nguyên liệu gồm thịt heo, thịt bò, trứng, đậu hũ, măng… không rõ nguồn gốc. Chỉ cần các chủ quán điện thoại đặt hàng, thương lái sẽ chở nguyên liệu đến tận quán. Theo lời anh Quy, rau quả do anh đi chợ đầu mối Thủ Đức mua hàng rẻ, còn thịt, cá, trứng có người mang đến, hầu hết là hàng thừa của hôm trước với giá rất rẻ.
Ở quán MV, ngày ngày lại có người chở thịt gà làm sẵn, thịt heo, thịt bò đựng trong những túi nilông đen lớn, không có dấu kiểm dịch, đã bắt đầu ươn, tím, bốc mùi đến quán. Chủ quán cứ chất thịt vào tủ lạnh và chế biến dần. Trứng vịt, trứng gà cũng do một người đàn ông ngoài 40 tuổi chở đến, không có nhãn mác, đóng dấu đã qua kiểm dịch…
“Công nghệ” chế biến hãi hùng, “công nghệ” vệ sinh cũng ghê gớm không kém. Để tiết kiệm nước tối đa, chén đĩa dính đầy mỡ dầu chỉ được một nhân viên tráng vội qua loa một lượt nước, đến nỗi có nhiều cái vẫn còn dính bọt xà bông.
Loại nước rửa chén các chủ quán cơm thường dùng là loại nước giàu chất tẩy rửa pha sẵn, đựng trong can nhựa 5 lít có giá 14.000 đồng, mua ngay trong làng ĐH.
Đặc biệt, để không lãng phí, các chủ quán thường tận dụng lại thức ăn thừa. Ngoài việc đem trộn chung thức ăn dư ngày hôm trước với thức ăn mới chế biến, nhiều chủ quán còn biến món ăn dư thành món ăn… mới! Cà chua, hành tây, dứa hư hỏng cũng thường được các quán đưa vào chế biến món ăn…
Các chủ quán có chung một công thức pha chế nước mắm và nấu canh “đại dương”. Tại quán MV, nước mắm được pha sẵn với đường, nước lạnh và ít ớt bột.
Khi dọn bàn, nếu còn nước mắm thừa thì đổ vào thau dùng tiếp. Vì thế thau nước mắm cứ tồn hết ngày này qua ngày khác, mỡ màng nổi váng trên mặt…
Tại quán cơm SV, để chế biến nồi canh lớn, chủ quán chỉ cần đổ ít nước lạnh vào một xoong lớn, đợi nước nóng lên cho ít muối, vài vá mỡ heo, ít thịt heo bằm sẵn, rổ rau muống và cà chua vừa giội nước qua. Để tăng lượng canh, chủ quán đổ thêm vài ca nước lạnh, cho thêm nước nóng, thế là xong nồi canh. Thường nồi canh “đại dương” được nấu từ các rau quả hư như bắp cải, rau muống, cà chua cùng thức ăn dư thừa của ngày hôm trước và ít vá dầu mỡ.
Nguồn nước không an toàn
Các quán cơm bình dân ở khu vực làng ĐHQG TP.HCM đều sử dụng nguồn nước giếng khoan không đảm bảo an toàn vệ sinh để chế biến thức ăn. Mật độ ô nhiễm nguồn nước của làng ĐH tương đối cao do các nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi ở khu vực này xây không đúng tiêu chuẩn, rác thải và nguồn nước ô nhiễm từ lâu không được xử lý nên khả năng sinh viên mắc các bệnh tiêu hóa rất cao khi dùng thức ăn chế biến từ nguồn nước giếng khoan ở đây.
PHƯỚC TUẦN
sinhvienplus