Thạc sĩ Phạm Thanh Thôi có thể xem là gương mặt tài hoa trẻ vượt khó của đất học Quảng Nam.Phạm Thanh Thôi đi lên từ gốc rạ khiến không ít người ở Quế Sơn ngạc nhiên lẫn vui mừng vì họ không ngờ cậu học trò nghèo năm xưa trở thành “người giữ thơm đất học quê nhà”.
Bảy năm, vừa giảng dạy vừa học, vừa nghiên cứu, Phạm Thanh Thôi cùng đồng nghiệp thực hiện hơn 20 đề tài xã hội học và nhân học, được các nhà nghiên cứu đánh giá cao và được giới thiệu rộng rãi trên các báo Tuổi Trẻ, Sài Gòn Giải Phóng, Quảng Nam, các tạp chí khoa học trong, ngoài nước.
Trò chuyện với Báo Quảng Nam, ThS. Phạm Thanh Thôi bày tỏ: Tôi may mắn, vinh dự được sinh ở đất học xứ Quảng (Quế An, Quế Sơn). Tôi mong muốn sự học luôn giúp mình vươn lên, phục vụ tốt cho công tác giảng dạy và nghiên cứu”.
|
Phạm Thanh Thôi. Ảnh: N.T.P.S
|
* Trong số 20 đề tài nghiên cứu, thấy nổi lên một đề tài hợp tác nghiên cứu với trường Đại học Toyo (Nhật) kéo dài 10 năm. Điều này được hiểu thế nào, thưa anh?
Từ năm 2004 và sẽ kéo dài đến năm 2015, tôi cùng TS. Honda Mamoru (Đại học Toyo, Nhật) triển khai kế hoạch nghiên cứu điền dã tại cộng đồng các dân tộc thiểu số ở tỉnh Lâm Đồng. Mỗi năm, chúng tôi có 4 đợt khảo sát, mỗi đợt kéo dài 3-4 tuần tại một số làng xã, nơi có cộng đồng người K'ho, Mơ Nông, Mạ và Churu sinh sống. Chúng tôi tập trung nghiên cứu sâu lịch sử, quá trình thay đổi nơi cư trú, đặc điểm và sự biến đổi của các vấn đề như thân tộc, hôn nhân gia đình, kinh tế và văn hóa của các tộc người qua các giai đoạn lịch sử (trước 1945 đến nay) dưới tác động của nhiều nguyên nhân chính trị, kinh tế, tôn giáo… Mỗi đợt khảo sát, lực hút của nguồn tư liệu “khổng lồ” ghi nhận từ đời sống hằng ngày của các cộng đồng cư dân, giúp chúng tôi phân tích một số vấn đề về “tộc người thiểu số” trong bối cảnh phát triển kinh tế -xã hội ở Tây Nguyên hiện nay.
* Không chỉ giảng dạy tại trường và các tỉnh phía Nam, anh còn dành thời gian đi thực tế, viết bài nghiên cứu. Khái niệm “sống để làm việc và làm việc để sống” phải chăng là động lực giúp anh vượt qua khối công việc chồng chất này?
Mỗi người có quan điểm sống khác nhau. Thực tế, công việc là phần quan trọng trong đời sống của mọi người, nhưng mục đích, định hướng có sự khác biệt. Với tôi, tham gia nghiên cứu và giảng dạy ở đại học là “làm vì người khác”. Không phải nói “đạo đức” đâu! Một khi đã xác định “làm vì người khác”, ở bất cứ lĩnh vực nào thì mình cũng luôn có trách nhiệm, luôn sáng tạo hơn. Nếu mục đích “làm việc vì mình” được đặt quá cao, mà nhu cầu bản thân thì hạn hẹp dễ dẫn tới nhàm chán, ít tính sáng tạo và sự năng động, niềm vui thích cũng sẽ mất đi. “Người khác” thì luôn có nhu cầu đa dạng hơn mình, nghiên cứu về họ đồng thời cũng nhận được ở họ nhiều bài học quý giá từ cuộc sống. Sự đánh giá khách quan về giá trị, hiệu quả công việc của “người khác” luôn làm cho mình hạnh phúc, không hề thấy cô đơn trong công việc.
* Là người con Quảng Nam, anh nghĩ thế nào về chữ “Học”, và lịch nghiên cứu của anh có hướng tới đồng bào dân tộc quê nhà?
Từ lâu, Quảng Nam được biết đến là đất học, đất khoa bảng và danh nhân lịch sử. Ngoài Ngũ phụng tề phi còn có nhiều “phụng bất tề phi”, tất cả một lòng xả thân, giúp nước. Bao thế hệ kế thừa đã học được bài học yêu nước và biết quý trọng sự học từ các cụ. Tôi xa quê nhưng vẫn ở trong quê. Bốn dân tộc anh em chính ở các huyện miền núi Quảng Nam, nỗi trông đợi có dịp nghiên cứu vẫn canh cánh bên lòng. Ước gì tôi làm được tất cả.
NGUYỄN TAM PHÙ SA
Báo Quảng Nam ( số ra 1/2/2011)