Diễn đàn giáo dục ĐH Việt Nam-Thụy Sỹ với chủ đề “Quan hệ nhà trường-doanh nghiệp” diễn ra tại TPHCM ngày 19/9, nhiều ý kiến bày tỏ về thực trạng: sinh viên Việt Nam cần cù, có hoài bão nhưng sau khi ra trường không đủ kỹ năng cần thiết đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.
Đây là lần thứ 2 Diễn đàn giáo dục ĐH Việt Nam - Thụy Sĩ được tổ chức. Diễn đàn đề cập đến nghiên cứu mới đây của Viện Quản lý kinh tế Trung ương Việt Nam thì phần lớn sinh viên (SV) tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ và cả các trường dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ năng ngày càng cao của doanh nghiệp.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, 44% các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phải thực hiện đào tạo tại chỗ cho các lao động mới tuyển. Và 25% các học viên từ các trường đào tạo nghề không đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức chuyên môn cũng như tay nghề trong các doanh nghiệp.
|
SV Việt Nam được đánh giá là cần cù, có hoài bão nhưng còn yếu kỹ năng, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. |
PGS.TS Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT thẳng thắn cho rằng, trong quá trình phát triển, Việt Nam đang phải đối mặt với thực trạng chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo còn thấp về kỹ năng nghề nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các ngành công nghiệp, các công nghiệp vào công ty.
Thứ trưởng Trần Quang Quý chỉ ra 3 nguyên nhân của thực trạng này: hiện nay đào tạo của trường ĐH chưa gắn với doanh nghiệp, chưa theo yêu cầu xã hội, trách nhiệm của doanh nghiệp với nhà trường chưa cao; phương pháp giảng dạy của các nhà trường còn lạc hậu, chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo và tự học của SV; trình độ ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh của SV còn yếu, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông chưa tốt.
Ông H.EAndrej Motyl - Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi đã từng nghe nhiều những than phiền từ các doanh nghiệp Việt Nam và các công ty nước ngoài cho rằng SV Việt Nam rất cần cù và có hoài bão nhưng sau khi tốt nghiệp ĐH, họ không đủ kỹ năng cần thiết mà các nhà tuyển dụng cần”.
Theo ông Andrej Motyl, để giúp giải quyết vấn đề này cần một hệ thống trao đổi được thiết lập giữa các cơ quan đào tạo và người tuyển dụng.
Về các giải pháp trong việc đào tạo nguồn nhân lực có tri thức và kỹ năng nghề nghiệp tốt, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, Thứ trưởng Trần Quang Quý cho biết giáo dục đại học Việt Nam đang hướng tới xây dựng khung trình đào tạo quốc gia và phát triển mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, đảm bảo tính trách nhiệm của cả hai bên.
Qua đó, tăng cường gắn sự gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam để các doanh nghiệp này hỗ trợ các trường ĐH và dạy nghề trong việc đảm bảo điều kiện thực tập cũng như tham gia vào quá trình đào tạo và đánh giá chất lượng.
Ngoài ra, ông Quý nhấn mạnh, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh việc đào tạo tiếng Anh theo tiêu chuẩn châu Âu, chuẩn hóa các trường ĐH về chương trình đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp giáo dục sang chủ động, sáng tạo và tự học cho SV.
Hoài Nam
Dân Trí