Sau buổi gặp gỡ chị, tôi “vỡ” ra nhiều điều. Người phụ nữ này thật thú vị, với một vẻ ngoài điềm tĩnh, cách nói chuyện thẳng thắn, dứt khoát và tự tin. Chị tên Ngô Thị Ngân Bình, hiệu trưởng của học viện thời trang VMODE, một trường đào tạo về thời trang đầu tiên của tư nhân ở Việt Nam.
|
Ở đây tôi có thể làm việc và đóng góp nhiều cho xã hội mà vẫn chọn được trường cho cháu nhỏ để cháu có thể vừa giỏi tiếng Việt vừa giỏi tiếng Anh
|
* Học vị tiến sĩ của chị ở ĐH Cornell (một trong 8 trường ĐH thuộc hàng “quý tộc” ở Mỹ) là thuộc chuyên ngành gì? Đề tài chị chọn cho luận án tiến sĩ?
- Tôi bảo vệ luận án tiến sĩ Nhân học cuối năm 2009. Nhân học là một ngành nghiên cứu về con người trong bối cảnh xã hội, văn hóa, chính trị và kinh tế. Trước đó, tôi từng học Cao đẳng sư phạm Anh văn và sau đó là ĐH Tổng Hợp khoa Anh Văn ở TP HCM. Năm 1997 tôi rời Việt Nam để bắt đầu cuộc hành trình dài du học và nghiên cứu khi nhận được học bổng của ĐH Quốc Gia Singapore (NUS), ĐH Quốc Gia Úc và ĐH Cornell. Luận án tiến sĩ của tôi nghiên cứu khái niệm nam tính ở các khía cạnh như hẹn hò, hôn nhân, ly hôn, tình dục, ngoại tình, quan hệ xã hội, sự nghiệp, và nhậu ngoại giao. Đối tượng nghiên cứu của luận án là một nhóm nam giới thuộc tầng lớp trung lưu và khá giả tại TP. HCM
* Khi làm luận án tiến sĩ về cuộc sống của nam giới trung lưu và khá giả tại TP HCM, chị rút ra được kết luận gì?
-Thật rất khó tóm gọn trong vài câu một điều mà cần phải mất mấy trăm trang để giải thích. Nên tôi xin không thể kết luận ở đây.
Tôi có thể đưa ra một ví dụ điển hình như thế này: ở Việt Nam, vị trí của nam giới trong quan hệ yêu đương hay vợ chồng thường hay được so sánh với hình ảnh cây tùng, chở che người phụ nữ trong hình ảnh dây leo nương tựa vào họ. Nếu đối tượng “dây leo” lấn sân làm cây tùng thì vị trí cây tùng của người đàn ông sẽ bị mất hoặc đảo lộn. Khái niệm “thế nào là đàn ông” ở Việt Nam cho thấy nam giới không tự nhiên trở thành cây tùng mà họ phải cần vào một yếu tố bên ngoài – đó là người bạn gái hay vợ – phải là dây leo thì họ mới thành cây tùng, mới có nam tính. Vậy nói cho rõ hơn, nam giới mới chính là đối tượng “phụ thuộc” chứ không phải nữ giới.
Hình ảnh “cây tùng” và “dây leo” nghe thật là nên thơ, lãng mạn phải không? Không hoàn toàn như vậy. Sự thi vị hóa này che phủ sự đẳng cấp trong quan hệ nam nữ và nó duy trì sự bất bình đẳng giới, làm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống cá nhân.
* Như vậy, chuyên ngành của chị đâu liên quan gì đến thời trang?
- Rất hay là chị nêu ra câu hỏi này. Ta không thể đòi hỏi một hiệu trưởng của một trường nào đó phải có đủ tất cả 20 bằng cấp cho 20 chuyên ngành mà trường đó đào tạo, chẳng hạn. Bên cạnh sự tâm huyết, người ở vị trí quản lý về giáo dục và đào tạo phải có tầm nhìn, kiến thức, lẫn kinh nghiệm thì mới có thể xây dựng được chương trình giáo dục có chất lượng, phải đặt trọng tâm phát triển giáo dục lâu dài, và nhất là quy tụ được ê kíp giảng viên giỏi chuyên môn. Tôi tin vào sự phát triển của VMODE, tin vào kiến thức và kinh nghiệm của các đồng nghiệp tôi. Đa số họ được đào tạo từ các trường có tiếng quốc tế về thời trang, có kinh nghiệm, có các giải thưởng lớn về thiết kế, đã từng hoặc đang tham gia vào các sự kiện thời trang lớn trong và ngoài nước.
* Trường VMODE có điều gì khác biệt – tức điều gì chị cho là ưu điểm?
-Hiện ở Việt Nam có hai trường đào tạo về thiết kế thời trang của nước ngoài và VMODE là trường đào tạo về thời trang đầu tiên của Việt Nam. Có thể nói điểm mạnh thứ nhất là với 6 chuyên ngành về thời trang, VMODE đào tạo các em chuyên cái gì thì biết rất sâu, không học mỗi thứ một ít. Điểm mạnh thứ hai là nhấn mạnh vai trò cố vấn về ngành học cho các em. Trong thời gian học, nếu có em nào thể hiện khả năng ở ngành khác, thì các thầy cô sẽ khuyên em đó chuyển ngành để phát huy hết tiềm năng sáng tạo. Điểm mạnh thứ ba là đào tạo theo qui trình giáo dục khép kín – học, thực tập ra sản phẩm, có boutique để bày bán sản phẩm. Các em học nào quản lý thì sẽ có cơ hội thử khả năng kinh doanh tiếp thị tại chỗ hoặc ở các công ty thời trang cộng tác với trường, để các em vừa học vừa cọ xát với thực tế.
Ngoài ra VMODE cũng xây dựng một thư viện sách ngành thời trang với hơn 500 đầu sách, được đặt mua từ Mỹ và châu Âu, đó là một cách đầu tư lớn về chất xám lâu dài cho giảng viên và sinh viên. Bên cạnh đó VMODE thường xuyên tổ chức các buổi thảo luận và khách mời là nhà thiết kế ở Việt Nam hoặc nước ngoài. Đến những buổi thảo luận này, sinh viên có thể học hỏi, lắng nghe và ứng dụng, để biết được xu hướng của thời trang thế giới và Việt Nam, hiểu mình đang đứng ở đâu.
Hiện nay chúng tôi đang ráo riết chuẩn bị cho buổi triển lãm thời trang đầu tiên vào ngày 21/4 tại Nhà triển lãm thành phố và show diễn thời trang đầu tiên vào ngày 23/4 cũng tại đây. Đối tác của VMODE là học viện thời trang Beauty and Fashion (BF) của Nhật cũng góp một số bộ thiết kế đoạt giải của sinh viên trường họ. Tôi muốn mỗi năm VMODE có một buổi diễn như vậy.
* Cái khó nhất theo chị khi thành lập trường VMODE là gì?
- Xây dựng đội ngũ giảng viên. Tìm kiếm giảng viên trong ngành này cực kỳ khó, vì đào tạo thời trang là rất mới ở Việt Nam mà rất ít người Việt đi học ở nước ngoài về thời trang. VMODE hiện có một đội ngũ giảng viên người Việt lẫn nước ngoài, đã từng được đào tạo ở các viện hoặc trường thời trang ở Paris, Mỹ, Nhật, Anh, Ấn Độ, Úc… Họ có nhiều kinh nghiệm thiết kế cho các công ty nước ngoài, hoặc các tạp chí về thời trang, kể cả có chuỗi sản phẩm riêng của họ ngoài thị trường.
* Chị nghĩ thế nào khi phần đông người khá giả vẫn mua sắm hàng hiệu nước ngoài?
- Đúng là có một số người muốn thể hiện đẳng cấp xã hội qua việc sở hữu hàng hiệu…, còn nhãn hiệu thời trang Việt Nam thì chưa tạo nên hiệu ứng ấy.
Thập niên 90 có nhiều nhà thiết kế thời trang Việt Nam đi lên từ môi trường mỹ thuật, nhưng sau một thời gian, nhiều người đã không trụ được trên thương trường. Họ phải thu nhỏ kinh doanh và chọn lọc khách hơn. Môt cái vướng khác nữa là công nghệ dệt của Việt Nam không đáp ứng được các mẫu vải thời trang và độc đáo cho các nhà thiết kế. Họ gặp quá nhiều khó khăn vì không thể vừa phát triển thương hiệu, vừa quản lý kinh doanh, vừa đầu tư, vừa thiết kế vải riêng cho mình. Họ phải chọn cách đi khác, sản phẩm vì thế không thể đến với số đông. Một số nhà thiết kế thời trang hiện rất thành công với áo dài, áo dạ hội, nhưng đó là hai loại trang phục không dành cho đời thường, nên chỉ được giới nghệ sĩ, doanh nhân hoặc Việt kiều…quan tâm.
* Chọn đào tạo các nhà thiết kế thời trang trong một bối cảnh như vậy có phải là một việc “va vào đá”?
- Không nghĩ thế. Tôi nghĩ nếu mình xây dựng được chương trình chuẩn hóa vừa chuyên ngành vừa liên ngành, có đội ngũ giảng dạy giỏi, có chiến lược giáo dục dài hạn, tạo một hướng mới cho giáo dục thời trang sao cho em nào có thiên hướng sáng tạo thiết kế cũng có kiến thức tổng quan về kinh doanh và quản lý thương hiệu, ngược lại em nào thích theo quản lý thời trang thì cũng phải am hiểu về thời trang … Những sinh viên ra trường sẽ là những người tạo tiếng vang cho trường, và họ sẽ là những nhân tố mới góp phần tạo xu hướng thời trang riêng cho Việt Nam trong tương lai.
Thực ra không cần phải có thời gian dài mới chứng mình được. Chẳng hạn như em Võ Thị Quỳnh Như, hiện là sinh viên của VMODE, vừa giành giải nhất cuộc thi sáng tạo đồ lót của Triumph 2011. Tháng 7 này em sẽ là người Việt Nam duy nhất đại diện Việt Nam đi tham dự cuộc thi Triumph Quốc tế tại Berlin.
* Một chút tò mò về cuộc sống riêng của chị…?
- Tôi có hai con trai. Năm 2002, khi nhận được học bổng của đại học Cornell, tôi đã mang 2 con – đứa lớn 13, đứa nhỏ mới 5 tháng – từ Singapore sang Mỹ. Tôi vừa nuôi con, vừa đi học, vừa đi làm trợ giảng. Lúc đó tôi không dám nghĩ gì khác, chỉ cố làm hết khả năng của mình. Khi đứa nhỏ được hơn 2 tuổi, vì vất vả quá, tôi đã gửi cháu về VN cho bà. Thế nhưng chỉ được 10 tháng xa con, tôi lại bay về mang con sang vì cháu nhớ mẹ, không chịu ăn và bốn lần phải vào bệnh viện. Cực mấy tôi cũng phải sắp xếp để con không thiệt thòi. Nay con trai lớn của tôi 22 tuổi đang học tài chính ở Đại học Melbourne, con trai nhỏ 9 tuổi đang học trường quốc tế Á Châu ở TP HCM.
* Tại sao chị không nghĩ ở lại Mỹ để con có điều kiện học hành?
-Tôi từng trăn trở nên ở lại Mỹ hay về VN làm việc, nhưng về đây được một năm tôi thấy mình quyết định đúng vì đóng góp được rất nhiều. Xã hội Việt Nam hiện thay đổi rất nhiều so với thời gian tôi rời Việt Nam năm 1997. Tôi không chỉ điều hành VMODE mà đang là giảng viên khoa Nhân học bên trường ĐHKHXH Nhân văn thuộc ĐH Quốc Gia, đóng góp vào nâng cao chương trình dạy và nghiên cứu cũng như giao lưu chuyên môn với các đại học quốc tế, nhất là trong khu vực Asean. Bên cạnh đó tôi cũng dạy Nhân học cho sinh viên Mỹ ở các chương trình “overseas study” có văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ở đây tôi có thể làm việc và đóng góp nhiều cho xã hội mà vẫn chọn được trường cho cháu nhỏ để cháu có thể vừa giỏi tiếng Việt vừa giỏi tiếng Anh. Con trai lớn của tôi đi cùng tôi khi cháu 8 tuổi nhưng vẫn nói, đọc, và nghe tiếng Việt rất giỏi. Cháu rất độc lập, 17 tuổi đã tự chăm sóc chính mình, vừa lo tốt nghiệp phổ thông vừa lái xe đi làm thêm ở Mỹ, do có những thời gian dài tôi phải trở về VN để nghiên cứu, và chỉ mang theo được đứa nhỏ.
|
Khi được học nhân học và hiểu sâu về xã hội và con người, nó giúp tôi mạnh về tư duy, tự chọn hướng đi và tự cân bằng cuộc sống của mình, không bị lệ thuộc bởi những định kiến hoặc không bị áp đặt bởi những quy ước của xã hội |
* Chị đã vượt qua cuộc đổ vỡ hôn nhân bằng cách nào?
- Phải nghĩ thế này: hôn nhân hay tình yêu giống như việc mình tham gia lái xe vậy. Dù có cẩn thận, có trách nhiệm, hay trọn vẹn hết lòng, có chắc là mình không gặp tai nạn không? Nếu tai nạn đó không do mình gây ra thì không có gì ân hận, phải biết cách thoát ra và làm lại cuộc sống.
Song có một điều rất khác giữa tai nạn giao thông và tai nạn tình cảm. Ở loại tai nạn thứ nhất, người trong cuộc phải phụ thuộc vào bác sĩ để giúp chữa lành vết thương. Ở loại tai nạn thứ hai, yếu tố chủ động nằm trong chính mình. Người trong cuộc có thể làm bác sĩ giỏi của chính mình, tự chăm sóc vết thương tình cảm để cho nó lành lặn, không để lại sẹo càng tốt. Còn mình là bác sĩ dở thì vết thương đó không những không lành mà còn khoét sâu hơn, có khi gây nguy hại đến tính mạng. Có bao giờ bạn nghe ai đó vì lòng đầy uất hận sinh bệnh rồi chết không? Hãy là bác sĩ giỏi của chính mình!
Đi qua những nỗi thăng trầm mà không đánh mất chính mình là hạnh phúc lắm. Khi có giá trị sống vững chắc, dù có bị lắc, bị tròng chành, nhưng thuyền không bị chìm. Có vững chãi thì mình mới tạo cơ hội tốt và làm tấm gương cho con trưởng thành.
* Có quan niệm thế này: Một người đàn bà thành đạt trong sự nghiệp rất khó có hạnh phúc? Chị nghĩ điều đó có đúng với mình không?
- Bạn không nên đặt lên bàn cân: có cái này thì phải mất cái kia, vì thực tế có nhiều phụ nữ không thành công cũng không có hạnh phúc!
Khi được học nhân học và hiểu sâu về xã hội và con người, nó giúp tôi mạnh về tư duy, tự chọn hướng đi và tự cân bằng cuộc sống của mình, không bị lệ thuộc bởi những định kiến hoặc không bị áp đặt bởi những quy ước của xã hội. Tôi không nhìn một phía: có a thì mất b, hoặc ngược lại, bởi trên thực tế vẫn có những phụ nữ có được cả hai hoặc mất hết cả hai, hoặc có những người mà người khác thấy không được gì nhưng người đó lại rất hạnh phúc.
* Một câu ngoài lề, chị có đam mê thời trang? Xin lỗi, trang phục chị đang mặc là hàng ở đâu?
- (cười):
Đam mê chứ, ngay từ khi còn nhỏ tôi đã phụ má bán hàng quần áo và mỹ phẩm. Tôi thích mặc đẹp, nhưng không nhất thiết phải mua hàng hiệu đắt tiền hay chạy theo thời trang đang thịnh hành mà không phù hợp với mình. Cái áo tôi đang mặc mua ở nước ngoài đã khá lâu rồi nhưng dáng áo dài ôm phía dưới như “trái bí” vẫn chưa lỗi thời, cái quần thun bó này là hàng của Việt Nam, còn giày ống bằng da là của Anh, tôi cũng mua lâu rồi nhưng thường sử dụng vì đế của nó giữ thăng bằng rất tốt. Còn cái vòng cổ này? Một nhãn hiệu của châu Á thôi, giá không đắt, nhưng màu sắc và kiểu dáng của nó phù hợp với bộ đồ.
* Như thế, hầu hết là nhãn hiệu nước ngoài trên người chị đấy nhé. Chị có hy vọng vào các thế hệ sinh viên từ VMODE sẽ giúp chị có chọn lựa trang phục khác đi trong tương lai?
- Dĩ nhiên rồi, trong tương lai gần chắc là tôi tha hồ mặc đồ do các bạn sinh viên và đồng nghiệp ở VMODE thiết kế riêng cho tôi. Chưa gì hết mà họ nói hôm nào tôi không mặc nhãn hiệu Mode de Moda (của VMODE) thì tôi không “được phép” vào trường. Họ đang định hướng phong cách mới cho tôi đấy! (cười).
* Chị có những thú vui giải trí khác: như shopping, massage làm đẹp, tám ở quán cà phê …?
- (cười): Ồ, có chứ, tôi là người ham học, ham làm nhưng cũng…ham chơi. Sống là phải hết mình, cứ làm điều mình thích, nếu bạn có khả năng và thú chơi ấy lành mạnh!
Thanh Thủy (thực hiện)
(Đã đăng trong Tiếp Thị Gia Đình, số báo 17 ra ngày 9.5.2011)